1. Phân bón là gì?
Theo khoản 20 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 thì phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng.
2. Điều kiện sản xuất phân bón
Điều kiện sản xuất phân bón theo Điều 41 Luật Trồng trọt 2018 quy định như sau:
– Tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
– Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bao gồm:
+ Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất;
+ Có dây chuyền, máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón;
+ Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;
+ Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng;
+ Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;
+ Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón có thời hạn là 05 năm và được cấp lại.
3. Điều kiện buôn bán phân bón
Theo Điều 42 Luật Trồng trọt 2018 quy định về điều kiện buôn bán phân bón như sau:
– Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
– Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:
+ Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;
+ Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;
+ Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
4. Quy định về xuất khẩu và nhập khẩu phân bón
Việc xuất khẩu và nhập khẩu phân bón được quy định tại Điều 43 và Điều 44 Luật Trồng trọt 2018 như sau:
4.1. Xuất khẩu phân bón
Việc xuất khẩu phân bón thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
4.2. Nhập khẩu phân bón
– Tổ chức, cá nhân có phân bón đã được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và không cần Giấy phép nhập khẩu phân bón.
– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu phân bón trong trường hợp sau đây:
+ Phân bón để khảo nghiệm;
+ Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
+ Phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
+ Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;
+ Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
+ Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
+ Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;
+ Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.